I. Tại sao phải từ bỏ túi nylon ?
1. Túi nilon gây hại cho môi trường và sức khỏe như thế nào?
Túi nilon là một vật dụng vô cùng quen thuộc, thậm chí không thể thiếu trong hầu hết các gia đình. Từ đựng đồ, đi chợ mua rau, mua thịt, cho tới đựng rác..., nhiều người cảm thấy vô cùng bất tiện khi không tìm được một chiếc túi nilon những khi cần thiết.
Chính vì sự tiện lợi ấy, rất nhiều người dù biết tác hại của túi nilon đến môi trường nhưng vẫn phải sử dụng. Tuy nhiên, túi nilon gây hại đến môi trường và sức khỏe con người như thế nào?
- Sử dụng túi nylon làm xói mòn đất đai, bao ni-lông lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loại thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn đất đai.
-Sử dụng túi nylon là tàn phá hệ sinh thái, túi ni-lông nằm trong đất khiến cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng. Cây trồng trên đất đó không phát triển được vì không thể chuyển nước và chất dinh dưỡng cho cây, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái.
- Sử dụng túi nylon là gây ngập úng lụt lội, bao bì ni-lông bị vứt xuống cống, hồ, đập thoát nước làm tắc nghẽn các đường ống dẫn nước thải làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị vào mùa mưa.
-Sử dụng túi nylon là hủy hoại sinh vật, bao bì ni-lông bị trôi xuống hồ, biển làm chết các vi sinh vật khi chúng nuốt phải. Nhiều động vật đã chết do ăn phải những hộp nhựa đựng thức ăn thừa của khách tham quan vứt bừa bãi.
Trên hình là một con chim hải âu lớn chết trên đảo san hô Midway với nhiều mảnh rác thải nhựa trong dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 60% chim biển từng ăn phải rác thải nhựa. Con số này dự kiến tăng lên 99% vào năm 2050. Ảnh: Chris Jordan
Con rùa biển Olive Ridley này được tìm thấy trên bãi biển phía bắc San Diego, California, Mỹ, trong tình trạng bị mất nước, suy dinh dưỡng và hạ thân nhiệt. Các nhà khoa học phát hiện nó ăn phải nhiều rác thải nhựa.
Khoảng một nửa số rùa trên thế giới nhầm lẫn rác thải nhựa trôi nổi là thực phẩm nên vô tình nuốt phải. Điều này có thể khiến chúng bị tắc ruột, loét các bộ phận bên trong cơ thể dẫn đến cái chết.
-Sử dụng túi nylon là gây tổn hại sức khỏe, đặc biệt bao bì ni-lông màu đựng thực phẩm làm ô nhiễm thực phẩm do chứa các kim loại như chì, ca-đi-mi gây tác hại cho não và nguyên nhân gây ung thư phổi. Nguy hiểm nhất là khi bao bì ni-lông bị đốt, các khí thải ra đặc biệt là khí đi-ô-xin có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, ho ra máu ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.
- Sử dụng túi nylon là ô nhiễm môi trường, sự lạm dụng các sản phẩm ni-lông cùng với sự bừa bãi, vô ý thức của con người khiến cho nó trở thành thứ rác bị vứt bừa bãi, không chỉ làm mất mỹ quan đường phố mà còn là tác nhân chứa vi khuẩn gây bệnh, làm tắc nghẽn cống rãnh, gây ứ đọng nước thải, hôi thối, ô nhiễm môi trường.
- Sử dụng túi nylon là tác hại nguy hiểm nhất, túi ni-lông gây ung thư, biến đổi giới tính, bởi vì những chất phụ gia được dùng để tạo độ dẻo, dai ở túi ni-lông có khả năng gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao. Ở nhiệt độ 70-80 độ C, phụ gia chứa trong túi ni-lông sẽ hòa tan vào thực phẩm. Trong đó chất phụ gia hóa dẻo TOCP có thể làm tổn thương và thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống; chất BBP có thể gây độc cho tinh hoàn và gây một số dị tật bẩm sinh nếu thường xuyên tiếp xúc với nó.
2. Túi nilon cần bao nhiêu năm để phân hủy
Ngoài các ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe thì một điều đáng kinh ngạc về sự thật " bóng ma trắng" nylon là thời gian phân hủy quá sức tưởng tượng . Khi ở môi trường tự nhiên một túi nilon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy được
Chưa dừng lại ở đấy, Một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1kg túi nilon /hộ/ tháng. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.
Vậy giải pháp nào để từ bỏ túi nylon? Bớt 1 cái cũng gọi là bớt, thay đổi thói quen để lan rộng yêu thương của bạn cho mọi người ngay hôm nay !
II. Các Giải pháp từ bỏ túi nylon đơn giản, dễ thực hiện
*** Trong hoạt động mua sắm
Thay thế túi nylon bằng các sẩn phẩm thay thế như sau
1. Túi nilon tự hủy thân thiện môi trường
ở Ấn Độ , một doanh nhân 25 tuổi có tên là Asthwash Hedge đã sáng chế ra chiếc túi nilon được làm từ khoai tây và tinh bột sắn nhằm thay thế túi nylon trong cuộc sống hàng ngày, Điều đặc biệt là những chiếc túi này có thể tự phân hủy và thân thiện với môi trường MÀ độ bền, cảm nhận giống y như chúng ta đang sử dụng túi nilon.
Thêm nữa, chiếc túi nilon này còn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, ngay cả mực in trên túi cũng được chọn từ nguyên liệu hữu cơ, hoàn toàn tự nhiên. Vậy nên, chiếc túi nilon xanh vô cùng thân thiện với môi trường, thậm chí là các loài động vật hay côn trùng chẳng may ăn phải cũng không sao.
Không chỉ ở Ấn Độ mà Indonesia đã đưa ra sáng kiến độc đáo là chế tạo những chiếc túi làm từ sắn - một loại rễ cây giá rẻ và nhiều tại Indonesia.
Chiếc túi được làm ra có khả năng tự phân huỷ trong thời gian vài tháng trên cả đất liền lẫn trên biển, hoặc phân hủy ngay lập tức trong nước nóng. Kumala tuyên bố rằng nhựa hữu cơ của mình không hề có chất độc hại, và anh đã chứng minh bằng cách thả chiếc túi vào nước nóng rồi uống.
Ở Việt Nsm mới đây, các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công một loại túi nilon tự hủy làm bằng bột sắn và nhựa sinh học, có tính thân thiện cao với môi trường.
Theo đó, tỷ lệ bột sắn trong loại túi này chiếm tới 35-40%, phần còn lại là nhựa phân hủy sinh học.
Loại túi này có độ bền và dai hơn túi nilon thông thường với giá thành cao hơn từ 1,5 đến 2 lần. Tuy nhiên, ưu điểm nổi trội của nó là sau khi phân hủy ra đất, chúng ta có thể trồng cây tại chính khu vực này. Các nhà khoa học dự kiến sẽ phát triển rộng rãi túi nilon tự hủy bằng bột sắn này ra thị trường, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.
2.Túi giấy
Từ hàng chục năm nay, túi giấy được nhiều nước châu Âu khuyến khích sử dụng. Giấy được làm từ nguyên liệu tự nhiên là gỗ, dễ tái chế và thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe con người và môi trường sống, thời gian phân hủy của nhanh hơn so với túi nilon.
Vì vậy, có thể khẳng định rằng việc sử dụng túi giấy là rất cần thiết, không chỉ bảo vệ sức khỏe con người mà còn giúp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó việc in ấn túi giấy giá rẻ, không cần đầu tư nhiều. Và việc sử dụng các loại giấy tái chế để làm túi giấy sẽ giúp cho việc bảo vệ môi trường được tốt hơn rất nhiều.
3.Sử dụng Túi vải
Những chiếc túi sinh thái được làm từ chất liệu vải thân thiện với môi trường như vải đay, bao bố, gai… không sử dụng thuốc tẩy trắng hay hoá chất tạo màu, có thể tái sử dụng nhiều lần. Độ bền của túi vải lên đến 5 năm, cháy không độc, không mùi vị và phân huỷ hết không gây ô nhiễm môi trường, được quốc tế công nhận sản phẩm sinh thái thân thiện môi trường bảo vệ Trái đất.
Từ tháng 3/2002, Bangladesh đã cấm dùng túi nylon. Lệnh cấm này khiến ngành công nghiệp sản xuất túi đay phục hồi cũng như thúc đẩy sự phát triển của các loại túi phân hủy khác.
4.Túi môi trường
Nhiều người tiêu dùng hiện nay đã có thói quen mang theo túi môi trường khi đi chợ hoặc siêu thị để không sử dụng túi nilon. Nhiều hệ thống siêu thị lớn trên khắp toàn cầu nhiều năm nay đã khuyến khích khách hàng đổi sang loại túi môi trường thay thế cho túi nilon đựng hàng.
Người tiêu dùng mua loại túi này tùy kích cỡ. Loại túi này khá chắc chắn và có bao bì bắt mắt, khách hàng có thể sử dụng nhiều lần khi đi mua sắm.
*** Trong hoạt động nội trợ hàng ngày
Hiện những túi nilon được sử dụng ngoài chợ thường là đồ tái chế. Do đó, khi đựng thực phẩm đã chế biến, chúng sẽ gây hại cho não, gây ung thư bằng cách truyền các kim loại nặng như chì sang thức ăn. Không những thế, nếu đựng đồ ăn nóng (với nhiệt độ từ 70 - 80 độ C) thì những chất độc hại trong túi nilon sẽ phát huy tác dụng và hòa lẫn vào thức ăn. Còn khi thiêu hủy, các loại túi này sẽ tạo thành khí cácboníc, mê tan và khí điôxin cực độc.
Vì thế , hãy thay đổi thói quen " tay không " đi mua sắm bằng cách sử dụng làn nhựa, túi vải để dựng rau củ, hoa quả, hộp nhựa đựng thịt cá chế biến và những đồ ăn tươi, mỗi ngày bạn sẽ giảm lượng túi nylon đáng kể đấy
*** Trong việc bảo quản thức ăn
Mở chiếc tủ lạnh của bạn ra và xem có bao nhiêu chiếc túi nylon đang được sử dụng ? Hãy thế những chiếc túi nylon bằng các hộp bảo quản sau nhé
Hộp nhựa bảo quản thực phẩm phổ biến hơn cả vì có ưu điểm nhẹ, không bám mùi, dễ chùi rửa, giá cả phải chăng và có nhiều kích cỡ, hình dáng phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng.
Hộp bảo quản thực phẩm bằng thủy tinh và sứ: có ngoài vẻ sang trọng hơn, nếu là loại chịu nhiệt thì khi lấy từ tủ lạnh ra có thể cho ngay vào lò vi sóng hâm thức ăn mà không lo bị vỡ, đồng thời còn sử dụng được cả trong lò nướng. Song thủy tinh và sứ lại khá nặng, dễ vỡ, nguy hiểm khi nhà có trẻ nhỏ.
Loại hộp BQTP bằng tritan: được đưa ra thị trường trong thời gian gần đây vì có nhiều ưu điểm so với các chất liệu trên: Nhẹ và trong suốt như thủy tinh, không bám mùi, ít bị trầy xước, có thể luộc trong nước sôi để thanh trùng.